VỢ CÓ ĐƯỢC QUYỀN MUA ĐẤT LÀM TÀI SẢN RIÊNG KHÔNG?

Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi cần tư vấn như sau: Chị bạn tôi muốn góp tiền với em gái mua 1 miếng đất (nhà), 2 chị em họ không muốn những người chồng của họ biết việc họ có tài sản này, không chia sẻ quyền lợi với chồng vì nguồn tiền do chị em họ tự làm ra, họ lo ngại và muốn bảo toàn cuộc sống.

Ngày đăng: 18-10-2018

1727 lượt xem

Xin hỏi chị em họ có được cùng đứng tên trong sổ đỏ và khi chuyển nhượng thì không có liên quan gì đến những người chồng của họ được không?

Trân trọng cảm ơn.

Người gửi M.T

Tài sản riêng trước và sau kết hôn
Tài sản riêng trước và sau kết hôn

 

Trả lời:

Chào bạn! cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới chuyên mục tư vấn pháp luật đất đai của công ty chúng tôi, chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

-Luật hôn nhân và gia đình 2014

-Luật đất đai 2013.

-Bộ luật dân sự 2005

2. Nội dung tư vấn:

* Thứ nhất, mua đất không liên quan đến chồng.

Căn cứ theo quy định tại điều 33, luật hôn nhân và gia đình 2014 thì tài sản chung của vợ chồng bao gồm:

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản

chung.

Như vậy, quyền sử dụng đất có được sau khi kết hôn sẽ là tài sản chung của vợ chồng trừ trường hợp chị bạn của chị có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng của mình. Tài sản riêng theo quy định của luật hôn nhân và gia đình 2014 bao gồm: 

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sảnphục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Theo thông tin bạn cung cấp thì tiền mua nhà là tiền mà họ tự làm ra. Tuy nhiên, nếu một phần hay toàn bộ khoản tiền này là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân thì theo quy định của luật đây là tài sản chung chứ không phải tài sản riêng. 

Nếu mà toàn bộ số tiền này, họ có thể có chứng cứ chứng minh đây là tài sản riêng của họ theo quy định của pháp luật về các loại được coi là tài sản riêng như trên thì hai chị em họ hoàn toàn có thể góp tiền mua đất mà người chồng của họ không có quyền gì với mảnh đất đó.

Tóm lại, hai chị em họ muốn chung nhau mua đất mà không muốn liên quan gì đến người chồng thì họ phải có chứng cứ chứng minh rõ ràng về nguồn gốc của số tiền mua đất đó là tài sản riêng của họ. Khi đó, mảnh đất mà họ mua chung sẽ là tài sản thuộc sở hữu chung theo phần của hai chị em họ, chồng họ sẽ không liên quan cũng như không được hưởng lợi về mảnh đất này.

* Thứ hai, mua chung đất.

Căn cứ theo quy định của pháp luật thì hai chị em họ hoàn toàn có thể góp tiền mua chung một mảnh đất và sẽ được đứng tên đồng sở hữu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2, điều 98, luật đất đai 2013: "Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện." 

Tuy nhiên, để tránh tranh chấp có thể xảy ra dù là anh chị em ruột thì nên làm như sau:

Bước 1: Trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hai chị em họ nên ký biên bản thỏa thuận về việc góp vốn mua đất, trong nội dung biên bản có nói rõ số tiền mua đất; số tiền cụ thể mỗi người đóng góp mua; quyền và nghĩa vụ các bên; cam kết về việc đứng tên; sử dụng; định đoạt. Biên bản này nên có người làm chứng;

Bước 2: Cả hai chị em họ cùng có tên trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Sau khi ký công chứng xong thì các bên tiến hành thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, nếu đã ký được hợp đồng chuyển nhượng đứng tên hai chị em họ bên nhận chuyển nhượng thì không cần phải làm biên bản thỏa thuận nêu trên. Việc làm biên bản nêu trên chỉ đặt ra nếu mua chung đất nhưng chỉ đứng tên một người vì biên bản này là căn cứ để đòi lại quyền lợi nếu sau này người đứng tên bán mất tài sản.

 

Địa Ốc Kim Quang_nguồn tổng hợp

bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha reload
loader

Tin liên quan

LIÊN HỆ THUÊ NHÀ

hotline

Sản phẩm tốt nhất

footer1

Bản quyền thuộc về Công Ty Cổ Phần Địa Ốc Kim Quang

ĐC: 44 Đinh Tiên Hoàng, Phường 1, Quận Bình Thạnh, Tp. HCM

ĐT: 0901 800 966 - Hotline: 0903 816 665

Footer 2

Kim Quang Office

footer3

Kim Quang House chuyên đầu tư, tư vấn, quản lý và môi giới cho thuê nguyên toà nhà văn phòng, toà nhà căn hộ, toà nhà khách sạn với hơn 10 năm kinh nghiệm tại thị trường Tp. HCM với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, tận tâm.